TRƯỜNG MẦM NON KIẾN QUỐC XÂY DỰNG THƯ VIỆN THÂN THIỆN CHO TRẺ
Thư viện trong trường mầm non có vai trò quan trọng. Đó là nơi tạo cơ hội cho trẻ được khám phá, tìm tòi, trải nghiệm, phát triển khả năng sáng tạo. Thư viện có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đối với sự tự tin của trẻ, khả năng học tập độc lập và tinh thần trách nhiệm về học tập của bản thân trẻ, góp phần giúp nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện. Nhận thức được điều đó Trường mầm non Kiến Quốc đã xây dựng thư viện thân thiện trong trường mầm non theo hướng dẫn số 319/HD-PGDĐT Ninh Giang về việc hướng dẫn xây dựng thư viện thân thiện trong trường mầm non năm học 2020 - 2021.
Nhà trường đã chỉ đạo các nhóm, lớp tích cực xây dựng góc thư viện trong các lớp học nhằm tạo môi trường giúp trẻ tích cực, chủ động làm quen với “Văn hoá đọc”, làm quen với cách “đọc” sách, làm quen với các câu chuyện, bài thơ….một cách tự nhiên và hứng thú hơn, ngoài ra nơi đây trẻ còn được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những sáng tạo của bản thân, được hoạt động với đồ vật, đồ chơi….tạo cơ hội để trẻ hoạt động tích cực.
Thư viện trong lớp học chính là điểm đến cho trẻ sau mỗi giờ hoạt động cùng cô và các bạn, ở đó trẻ được tham gia các hoạt động cùng những cuốn sách nói về các chủ đề khác nhau, các câu chuyện và cả những nội dung về thế giới xung quanh giúp trẻ dễ dàng trải nghiệm. Ở đây, trẻ được “đọc” sách qua các hình ảnh ngộ nghĩnh với các nhân vật đáng yêu. Thông qua việc được tương tác với sách hàng ngày như: xem, nhìn, nghe, chơi... giúp trẻ hoàn thiện và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Cho dù không biết chữ nhưng trẻ có thể ghi nhớ từng từ thông qua việc tri giác các hình ảnh, màu sắc minh họa trong cuốn sách. Với mong muốn mang lại cho trẻ những cơ hội khám phá thể hiện bản thân, truyền đến trẻ tình yêu với sách, nhà trường thường xuyên thay đổi và làm mới các đầu sách tạo cho trẻ hứng thú mỗi khi đến trải nghiệm.
Khi trẻ vào thư viện giáo viên hướng dẫn trẻ cách dùng tay lật từng trang sách, giữ gìn sách, hướng dẫn trẻ kỹ năng đọc sách, trẻ lấy sách ở đâu sẽ để vào đó sau khi xem xong, từ đó trẻ sẽ học được cách mở sách để xem, có ý thức giữ gìn và bảo quản sách và giúp trẻ tự chủ, tự giác với sách.
Bên cạnh việc xây dựng thư viện trong các lớp học nhà trường đã tận dụng không gian dưới cầu thang làm nơi sinh hoạt của trẻ với sách, địa điểm để bố trí thư viện đảm bảo có không gian an toàn, đủ ánh sáng cho trẻ dễ dàng hoạt động, đồng thời trong khi trẻ xem sách ở góc thư viện giáo viên khuyến khích trẻ có thể chọn tư thế thoải mái để đọc sách, ngoài ra cô còn dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ nghe .
Để có được không gian thư viện xanh ngoài sân trường vừa đẹp mắt, vừa hấp dẫn tiện dụng, nhà trường vận động cha mẹ trẻ ủng hộ những vật liệu như vỏ chai dầu xả quần áo, nước giặt….để thiết kế những giá đựng sách báo, tạp chí….cho trẻ và cha mẹ trẻ đọc sách.
Vị trí để thư viện được đặt dưới mái vòm và những gốc cây trên sân trường, khu vườn cổ tích với mục đích tận dụng bóng mát của cây và bồn cây làm chỗ ngồi cho trẻ khi đọc sách. Đảm bảo trẻ tham gia sử dụng thuận tiện, đồng thời giúp giáo viên dễ quan sát các hoạt động của trẻ khi tham gia đọc sách tại trường. Ngoài các loại sách dành cho trẻ, thư viện xanh ngoài trời còn có sách dành cho các bậc phụ huynh tham khảo các kiến thức nuôi dạy con theo khoa học, phụ huynh cũng có thể đọc sách tìm hiểu về chương trình chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường, giáo viên khuyến khích cho cha mẹ đọc sách, kể chuyện cho trẻ sau mỗi giờ tan học và dành một khoảng thời gian để đọc sách cho trẻ nghe tại nhà.
Bên cạnh đó nhà trường đã xây dựng tủ sách dùng chung cho cán bộ giáo viên nhân viên tại văn phòng nhà trường để mỗi khi làm việc cán bộ giáo viên nhân viên cần tra cứu tài liệu, tham khảo để xây dựng kế hoạch dạy học không phải vất vả tìm kiếm, hoặc tránh tình trạng vì nguồn tài liệu hạn chế nên cán bộ giáo viên nhân viên có thể không muốn tham khảo, lâu ngày sẽ không có thói quen tìm tòi đọc sách.
Như vậy xây dựng Thư viện thân thiện cho cô và trẻ là rất quan trọng trong môi trường giáo dục như hiện nay nhằm tăng cường chia sẻ đọc và hình thành thói quen đọc, văn hóa đọc trong nhà trường qua đó tuyên truyền đến gia đình, cộng đồng, giúp trẻ mầm non có những nền tảng cơ bản để trở thành người đọc độc lập, từ đó trở thành những người chủ động học tập suốt đời.
Nguồn tin: Ban giám hiệu